Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Tân Tiến - Huyện Gia Lộc

23/4/2023  |  English  |  中文

Di tích, danh thắng - Xã Tân Tiến

​​

      * Làng Đông Cận có từ lâu đời, vào khoảng đầu thế kỷ 19 năm 1807. Làng Đông Cận là một xã thuộc Tổng hội xuyên, huyện Gia Lộc. Sau cách mạng tháng 8/1945, từ đầu năm 1946 làng Đông Cận thuộc xã Tân Tiến - huyện Gia Lộc cho đến nay. Làng có một cụm di tích lịch sử Miếu - Chùa Đông Cận thờ hai danh Tướng tài có công giúp Triều đình Nhà Lý; Miếu thôn thờ Thành Hoàng (Đỗ Công Cốt) hiệu là Thuỵ - Đạo - Cốt, huý là Hoàng Công, sinh ngày 13 tháng 2, hoá ngày mồng 10 tháng 10 âm lịch, hiển thánh ngày 14 tháng 8 âm lịch. Đã có công phò vua Lý Anh Tôn đánh giặc ở đất Quỳnh Nha và được vua phong là "Chung phẩm hoàng bào; Nguyên suý đại tướng quân". Nhân dân trong thôn lập miếu thờ ngài ở đống Mả Nghè (nơi thác), trong năm tế lễ vào ngày 13 tháng 2 là ngày sinh, ngày 14 tháng 8 và ngày 10 tháng 10 là ngày Ngài hoá và hiển thánh. Thôn có lệ giao hiếu với làng Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ hàng năm vào ngày 13/2 (Âm lịch). Hiện nay làng còn lưu giữ được một ngôi chùa cổ. Đền thôn thờ bà "Nhiếp chính ỷ Lan", dân trong làng thường gọi là đền bà Đươi. Hàng năm vào ngày 24 tháng 7 âm lịch là ngày húy nhật của bà, làng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của bà đối dân làng. Trong kháng chiến chống Mỹ khu di tích Miếu - Chùa Đông Cận là địa điểm được chọn để xây dựng trận địa pháo cao xạ và tên lửa phòng không của bộ đội tỉnh Hải Dương chống lại máy bay Mỹ đánh phá. Ngôi chùa, Đền của làng đều đã bị bom đạn Mỹ phá hỏng nhiều hạng mục công trình và hậu cung của Miếu, chùa. Năm 1972 nhân dân trong thôn đã chuyển ngôi chùa vào vị trí đất Miếu và năm 2010 nhân dân đã góp công sức tôn tạo, tu bổ lại cum di tích để nhân dân trong làng và khách thập phương đến lễ phật và vãng cảnh. Ngày 7 tháng 2 năm 2013 cụm di tích Miếu - Chùa Đông Cận được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, ngày 28/04/2013 cán bộ và nhân dân trong làng vinh dự tổ chức lễ đón bằng di tích lịch sử Miếu - chùa Đông Cận. Trải qua các cuộc kháng chiến chống xâm lược và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước dư­ới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, các thế hệ người dân làng Đông Cận đã đóng góp xứng đáng công sức của mình và đã được Đảng, Nhà nước truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng 2 mẹ, đó là mẹ Lê Thị Cỏn, mẹ Phạm Thị Nguyện; 18 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh và được suy tôn là liệt sỹ, 10 người là thương, bệnh binh, hàng trăm người khác được nhà nước tặng thưởng huân huy chương các loại... Ngày nay, làng Đông Cận có diện tích đất tự nhiên gần 60 ha với dân số trên 318 hộ, có 1050 nhân khẩu thuộc 10 dòng họ chính sinh sống quần tụ, có dòng họ đã 14 đời lập nghiệp tại đây. Làng có 3 xóm gồm: xóm Quan Xanh; xóm Cầu Đìa và xóm Văn Chỉ. Nhâ​n dân trong làng Đông Cận chủ yếu sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. làng có nghề làm bún từ nhiều đời nay, có 40% số lao động của các hộ trong làng làm nghề cổ truyền. Nghề làm bún cho thu nhập cao từ sản phẩm bún và chăn nuôi lợn từ sản phẩm phụ. Năm 2004 làng được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là làng nghề TTCN truyền thống. Năm 1998 làng đã xây dựng được quy ước gồm 7 chương, 34 điều. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" do BCĐ phong trào Trung ương phát động. Năm 2006 bản quy ước mới của thôn được bổ xung, xây dựng lại, dựa trên cơ sở nội dung quy ước của làng đã được xây dựng năm 1998. Quy ước của làng đã được chỉnh sửa, bổ sung và UBND huyện Gia Lộc phê duyệt và chính thức đưa vào thực hiện từ năm 2014. Năm 2007 làng Đông Cận đã đ­ược UBND huyện Gia Lộc công nhận danh hiệu “Làng văn hoá".


          * Làng Quán Đào có vào khoảng đầu thế kỷ 19 năm 1807. Xã Quán Đào thuộc tổng Mỹ Xá huyện Tứ Kỳ, đến trước năm 1938 làng Quán Đào thuộc tổng Hội Xuyên, huyện Gia Lộc. Đầu năm 1946 ,thôn thuộc xã Tân Tiến cho đến ngày nay, làng có 11 dòng họ chung sống hoà thuận từ nhiều đời nay. Năm 1936, thôn đã xây dựng được Hương ước. Hiện nay làng còn lưu giữ đư­ợc một ngôi Đình và một ngôi Chùa (Kim Hoa Tự) cổ kính thờ Phật. Đình thờ Thành hoàng làng hiệu là Thiên Tác Đại Vương Lý Canh Tôn, Sự tích theo thần tích: Ngài là con của Lạc Long Quân có công âm phù nhà Lý đánh giặc Tống, sau ngày thắng giặc vua ban chiếu phong ngài là Bảo Tướng Phúc Thần hiển liệt hộ quốc an dân; âm phù Lê Thái Tổ đánh giặc Minh, sau khi thắng giặc Minh được vua Lê ban chiếu phong là Trợ thắng Thượng đẳng thần... Lễ hội làng xưa được tổ chức vào ngày hiển thánh 12 tháng Chạp hàng năm. Nhân dân trong làng có tục kiêng hèm huý, lúc đọc, lúc nói phải kiêng chữ Canh Tôn. Năm 2008; Ngôi chùa của làng cũng đã được nhân dân tu bổ, tôn tạo lại để cho nhân dân trong làng, xã và khách thập phương đến lễ Phật và vãng cảnh chùa. Ngày nay, Lễ hội truyền thống hàng năm được tiến hành tổ chức tại đình làng trong ngày 11 & 12 tháng Giêng âm lịch. Do có giá trị về kiến trúc văn hoá gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, Đình Quán Đào đã được Chủ tịch nước công nhận di tích lịch sử văn hoá cách mạng cấp Quốc gia năm 1995. Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, nhân dân làng Quán Đào đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ quê hương. làng có 7 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Đỗ Thị Qụy, Phạm Thị Tủm, Nguyễn Thị Tuấn, Đỗ Thị Khơi, Vũ Thị Đặng, Nguyễn Thị Sóng, Nguyễn Thị Lâm; 55 người con ưu tú của thôn đã anh dũng hi sinh và đ­ược suy tôn liệt sỹ, 36 người là thương binh đã để lại một phần x­ương máu nơi chiến trường và nhiều cá nhân được tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại. Làng Quán Đào hiện nay với diện tích đất tự nhiên khoảng gần 175 ha, dân số 934 hộ gia đình có 2.828 nhân khẩu, có 01 Chi bộ Đảng và 01 Ban công tác MTT và 5 tổ chức chính trị đoàn thể đang chung sức, đồng lòng lãnh đạo nhân dân trong làng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân cùng nhau xây dựng quê hương Quán Đào giầu đẹp, văn minh. Trong công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhân dân làng Quán Đào lại cùng nhau đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp văn minh. Năm 1998 làng đã xây dựng được quy ước gồm 7 chương, 34 điều. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" do BCĐ phong trào trung ương phát động. Năm 2006 bản quy ước mới của làng được bổ xung, xây dựng lại, dựa trên cơ sở nội dung quy ước của làng đã được xây dựng năm 1998. Quy ước của làng đã được chỉnh sửa, bổ sung và UBND huyện Gia Lộc phê duyệt và chính thức đưa vào thực hiện từ năm 2014. Năm 2015 làng Quán Đào đã đ­ược UBND huyện Gia Lộc công nhận danh hiệu “Làng văn hoá".

          * Làng Tam Lương vào khoảng đầu thế kỷ 19 năm 1807 là xã Tam Lương thuộc tổng Mỹ Xá huyện Tứ Kỳ, đến trước năm 1938 thuộc tổng Hội Xuyên, huyện Gia Lộc. Đầu năm 1946 Làng thuộc xã Tân Tiến. Làng có 13 dòng họ sống quần tụ đoàn kết, thương yêu nhau "Tối lửa tắt đèn có nhau". Có 9 dòng họ đã 5 đời lập nghiệp tại đây. Làng có một ngôi chùa và một ngôi đình. Đình làng tọa lạc tại trung tâm làng, khuôn viên rộng 289m2, diện tích xây dựng 100 m2. Đình thờ Thành hoàng Làng tên huý là "Chung", tên thường gọi không có. Ngài sinh ngày mồng 10 tháng 10 và hoá ngày mồng 8 tháng 8 âm lịch. Sự tích theo thần tích: Ngài cùng hai người anh là Hựu và Phẩm có công giúp Lý Nam Đế đánh giặc Lương, sau khi thắng trận trở về đến cánh đồng làng thì cả 3 người cùng hoá và được dân làng lập đền thờ tôn làm Thành hoàng. Chùa làng có tên gọi Từ Quang Tam Bảo, thờ phật. Năm 2010 nhân dân trong làng đã tôn tạo tu bổ khuôn viên để cho nhân dân đến lễ phật và vãng cảnh chùa. Lễ hội truyền thống hàng năm của làng được tổ chức vào (ngày sinh, ngày hoá của thành hoàng làng) mồng 10 tháng 10 và mồng 8 tháng 8 âm lịch. Năm 2015 Đình làng được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận di tích kiến trúc cấp tỉnh. Làng có nghề truyền thống là nghề làm bún và đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề TTCN năm 2004. Từ ngày có Đảng đến nay, nhân dân trong làng một làng một dạ theo đảng Trong các cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc làng có 13 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh đ­ược suy tôn là liệt sỹ, 12 thương binh, làng có mẹ Lê Thị Triệu được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Làng Tam Lương hiện nay có diện tích đất tự nhiên gần 41 ha với trên 212 hộ, với 806 nhân khẩu sinh sống. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" do BCĐ phong trào trung ương phát động Năm 1998 làng đã xây dựng được quy ước gồm 7 chương, 34 điều. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" do BCĐ phong trào trung ương phát động. Năm 2006, bản quy ước mới của làng được bổ xung, xây dựng lại, dựa trên cơ sở nội dung quy ước của làng đã được xây dựng năm 1998. Quy ước của làng đã được chỉnh sửa, bổ sung và UBND huyện Gia Lộc phê duyệt và chính thức đưa vào thực hiện từ năm 2014. Năm 2013 làng đã được UBND huyện Gia Lộc công nhận danh hiệu"Làng văn hoá" .